top of page

Các Hiệp Định Thương Mại Kích Thích Sự Tăng Trưởng Xuất Khẩu Của Doanh Nghiệp Việt Nam

Các Hiệp Định Thương Mại lớn đã mở ra cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Những thỏa thuận thương mại quan trọng đã tạo ra điều kiện thuận lợi và tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, giúp họ gia tăng doanh số bán hàng và mở rộng thị trường.

Hiệp Định Thương Mại Lớn Về Xuất Khẩu Hàng Hóa

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã ký và thực hiện một loạt các Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA) mới, bao gồm CPTPP, EVFTA và UKVFTA.

  • Với Hiệp Định CPTPP, Việt Nam cam kết giảm thuế cho nhiều mặt hàng. Lộ trình giảm thuế là 65,8% số lượng các dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp Định có hiệu lực; 86,5% số lượng các dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 sau khi Hiệp Định có hiệu lực; 97,8% số lượng các dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 sau khi Hiệp Định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam đã cam kết loại bỏ thuế đối với phần lớn các mặt hàng theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp Định có hiệu lực.

  • EVFTA giảm thuế nhập khẩu đối với 99% số lượng các dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp Định có hiệu lực với 48,5% số lượng các dòng thuế, sau 3 năm là 58,7% số lượng các dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số lượng các dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số lượng các dòng thuế, và sau 10 năm là 98,3% số lượng các dòng thuế.

  • UKVFTA đưa ra nhiều quy định và cam kết về mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững.

  • Thêm vào đó, vào tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã ký kết Hiệp Định Thương Mại Tự Do với Israel (VIFTA), đồng thời giảm tới 92% thuế quan đối với các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu vào nước này.

Tác Động Tích Cực Của Các Hiệp Định Thương Mại Đến Nền Kinh Tế Việt Nam


Theo Bộ Công Thương, các Hiệp Định Thương Mại Tự Do đã có tác động tích cực đối với xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư đối với Việt Nam. Năm 2022, tổng giá trị thương mại với các quốc gia trong CPTPP đã tăng hơn 14% so với năm 2021, đạt con số 104,5 tỷ USD. Xuất khẩu từ Việt Nam tới các nước thành viên CPTPP đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, ví dụ như tăng hơn 20% tới Canada và 163% tới Brunei.

Liên quan đến EVFTA, năm ngoái, tỷ lệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã vượt qua mốc 62,2 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2021. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa trị giá gần 47 tỷ USD tới các nước EU trong năm ngoái, tăng hơn 17% so với năm trước.

Nhờ Hiệp Định UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ… sang Vương quốc Anh trên cơ sở ưu đãi thuế quan theo hiệp định.

Các con số trên rõ ràng đã cho thấy những tác động tích cực mà các Hiệp Định Thương Mại đã mang đến cho ngành xuất khẩu nước ta. Các doanh nghiệp xuất khẩu chắc chắn là đối tượng nhận được lợi ích to lớn nhất. Việc được tạo các điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cắt giảm các chi phí, thuế nhập khẩu đã giúp các sản phẩm tiếp cận tốt hơn các thị trường quốc tế, đem về lợi nhuận đáng kể cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước.

Những Thách Thức Cần Vượt Qua Để Tối Ưu Hóa Lợi Ích Từ Các Hiệp Định Thương Mại

Mặc dù các Hiệp Định Thương Mại thế hệ mới đã đem lại lợi ích lớn, nhưng việc tận dụng hoàn toàn ưu đãi của chúng vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các Hiệp Định thương mại hiện nay vẫn thấp, như CPTPP gần 5%, EVFTA gần 26% và UKVFTA khoảng 24%.

Khu vực FDI vẫn chiếm đa số khi xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, trong khi doanh nghiệp nội địa chủ yếu gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng, khả năng đáp ứng về chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ thuật hàng xuất khẩu hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều nước tăng rào cản kỹ thuật và thuế quan.

Vì thế, số lượng doanh nghiệp nước ta xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA còn hạn chế. Ngoài ra, sự kết nối giữa các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như phá giá sản phẩm xảy ra phổ biến.

Giải Pháp Cho Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Hàng Hóa

Về phía nhà nước, để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng và tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp Định Thương Mại, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA. Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành làm việc với các ngân hàng thương mại để có nguồn tín dụng phù hợp, lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất.

Bộ Công Thương cùng các địa phương thí điểm xây dựng hệ sinh thái, trước tiên 1-2 lĩnh vực, ngành hàng tại mỗi tỉnh, để tận dụng cơ hội từ các FTA. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ có chính sách tổng thể, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu “nội khối”, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng Hiệp Định Thương Mại.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất để tạo nên các sản phẩm chất lượng, việc mở rộng thị trường, tìm kiếm các hướng đi để xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường lớn cũng là điều cần được quan tâm. Trong giai đoạn mà thương mại điện tử dần trở thành một xu thế kinh doanh chủ đạo, việc xuất khẩu hàng hóa qua các kênh Thương Mại Điện Tử (TMĐT) được xem là lựa chọn mà doanh nghiệp không thể bỏ qua. Ở đó, Alibaba.com – Sàn TMĐT B2B hàng đầu thế giới là nơi để các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác, mang các sản phẩm của mình đến với các thị trường quốc tế đầy tiềm năng.



1 lượt xem0 bình luận

Comentários

Avaliado com 0 de 5 estrelas.
Ainda sem avaliações

Adicione uma avaliação
bottom of page